ĐỒ CHƠI PHÙ HỢP CHO TRẺ TỪ 3 - 6 THÁNG TUỔI
Nguyễn Thị Tuyết Trang
Th 5 06/10/2022
7 phút đọc
Nội dung bài viết
Hiểu những đặc điểm của trẻ để chọn đồ chơi phù hợp cho trẻ từ 3 – 6 tháng tuổi
Bước vào độ tuổi này, trẻ sẽ nhận ra có rất nhiều điều lý thú bắt đầu từ những việc nhỏ bé như trẻ không chỉ có thể mút được ngón tay của mình mà còn có thể dùng bàn tay cầm nắm các vật được lâu hơn. Hơn nữa, trẻ đã dần được phép tiếp cận với đồ chơi. Trí tuệ của trẻ phát triển, trẻ dần biết được cách truyền đồ chơi qua lại giữa 2 tay hay cổ tay linh hoạt giúp bé xoay các đồ vật để nhìn chúng ở nhiều góc độ, và thường thì sau khi quan sát đồ chơi xong, bé hay cho chúng vào miệng.
Chính vì điều này, bố mẹ nên đảm bảo những đồ chơi trẻ cầm trên tay có an toàn hay không nếu trẻ cho chúng vào miệng bằng cách kiểm tra nhãn hiệu của đồ chơi. Và đặc biệt, bố mẹ không nên treo đồ chơi trên nôi hay cũi của trẻ bằng những sợi dây thun đàn hồi, vì trẻ sẽ có nguy cơ bị nghẹt thở nếu nuốt phải. Khi trẻ được 6 tháng tuổi, trẻ đã có thể ngồi được và từ đó trẻ sẽ có một cái nhìn mới về thế giới xung quanh. Ở giai đoạn này trẻ bắt đầu tiếp thu ngôn ngữ, cuộc sống của trẻ sẽ đầy những âm thanh leng keng của đồ vật, đầy màu sắc của thiên nhiên và hơn nữa, trẻ sẽ nhận thấy được cuộc sống xung quanh trẻ luôn luôn thay đổi chứ không chỉ cố định như lúc trẻ còn nằm nôi.
Những đồ chơi nào là đồ chơi phù hợp cho trẻ từ 3 - 6 tháng tuổi ?
Đồ chơi phát triển động tác vận động : Bố mẹ có thể mua vài cái giá đỡ và treo đồ chơi lên đó, hoặc bố mẹ cũng có thể treo trực tiếp đồ chơi lên nhiều vị trí khác nhau trong nhà theo ý định riêng của bố mẹ. Lúc này trẻ vẫn đang còn nằm sấp, có những đồ chơi được treo trước mặt như vậy sẽ khiến cho trẻ thấy đỡ nhàm chán hơn so với việc nằm một thời gian lâu như vậy mà không hoạt động gì. Thậm chí bố mẹ có thể treo gần để trẻ có thể dùng tay hất, kéo, quay, gõ các đồ chơi trước mặt, giúp trẻ thêm hứng thú và tập vận động cơ tay. Khi bé được hơn 5 tháng, lúc này trẻ đã có thể kết hợp được tay và đầu gối để tự mình vận động, bố mẹ nên bỏ bớt các đồ chơi được xâu thành chuỗi trên nôi để trẻ không bị mắc kẹt khi cố chồm dậy.
Đồ chơi lục lạc làm bằng vật liệu nhẹ : Trẻ thường thích gây ra tiếng động. Bố mẹ có thể mua cho trẻ vài cái trống lắc hay lục lạc để trẻ lắc chúng và tạo ra âm thanh. Bên cạnh đó, bố mẹ còn có thể mở thêm những bài nhạc sôi động lúc trẻ đang chơi, trẻ ở độ tuổi này rất thích nghe những âm thanh có nhịp điệu và thường lắc lư theo chúng. Các loại lục lạc thì nên phát ra âm thanh to rõ ràng để trẻ có thể nhận thức được những gì trẻ đang làm sẽ gây ra âm thanh giống như vậy.
Các giá treo đồ chơi : Đây là những thanh có phát ra âm thanh cót két và trên đó các đồ chơi nhựa được treo một cách phù hợp, thanh này thường được gắn trên các ghế sơ sinh, ghế trên xe ô tô hay trên xe đẩy. Điều này giúp ích rất nhiều trên các chuyến du lịch xa của gia đình hay lúc trẻ đi xe đẩy, trẻ sẽ tập trung sự chú ý của mình vào các đồ vật treo trước mặt và khám phá, tìm tòi chúng thay làm phiền, chọc phá bố mẹ.
Thú nhồi bông mềm : Đây là độ tuổi mà trẻ hình thành làm quen với việc có một thú nhồi bông bên cạnh. Điều quan trọng là con thú nhồi bông này phải dễ thương và đặc biệt là phải mềm vì chắc hẳn bố mẹ không muốn có bất cứ thứ gì đâm ra tai hay đuôi của thú nhồi bông có thể làm trẻ của mình bị thương. Bố mẹ nên mua những thú nhồi bông được khâu vá cẩn thận, nên tránh mua những đồ chơi mềm nhưng có mắt hay miệng làm bằng nhựa, sẽ có nguy cơ trẻ nuốt phải gây nguy hiểm. Ngoài ra, bố mẹ cũng nên để ý tới các bộ phận bên ngoài khác như chuông, nút áo đính kèm, ruy băng và các loại dạng sợi bé có thể xé ra và cho vào miệng.
Đồ chơi hình thú làm bằng cao su bóp kêu : Bất cứ đồ chơi nào trẻ có thể cầm và tự tạo ra tiếng kêu thì thường rất được những trẻ ở độ tuổi này yêu thích. Những đồ chơi bóp kêu này còn có thể thả vào bồn tắm của trẻ. Trẻ thường cảm thấy rất phấn khích khi nghe những âm thanh chít chít phát ra từ những đồ chơi như vậy. Bố mẹ nên tìm mua cho trẻ những đồ chơi cao su hình thú và phát ra âm thanh để thế giới của bé thêm sinh động.
Sách làm bằng giấy cứng : Việc đọc sách cho trẻ ở độ tuổi nào cũng là rất cần thiết. Những quyển sách làm hoàn toàn bằng giấy cứng sẽ đi cùng bé lâu dài vì có thể chịu được dù cho bé có cắn hay vò hay thậm chí là bé yêu chảy nước dãi lên sách. Việc lắng nghe giọng nói của bố mẹ còn giúp trẻ phát triển thính giác và bắt kịp được với nhịp điệu của ngôn ngữ. Việc bố mẹ thường xuyên thay đổi cao độ của giọng nói, hát cho trẻ nghe hay nhấn nhá giọng sẽ làm cho thời gian đọc sách thêm thú vị cho cả bố mẹ và trẻ.
Đồ chơi ngậm nướu răng nhiều màu sắc : Không có lựa chọn nào tốt hơn 1 vòng nhựa ngậm nướu cho trẻ lúc nướu trẻ đang khó chịu. Bố mẹ nên mua và để vài vòng ngậm nướu cho bé ở nhà để có thể đưa cho trẻ khi trẻ cảm thấy cần. Không nên đặt các vòng này vào tủ lạnh vì cả miệng và nướu của trẻ đều không thể chịu được những vật quá lạnh.
Các loại chăn bông mềm và thảm chơi cho trẻ : Những loại chăn bông mềm có thể giúp rất nhiều khi bố mẹ cùng trẻ đi ra ngoài ví dụ như đi dạo công viên hay đi những chuyến du lịch xa. Lúc ở nhà, có thể trải chăn bông hay một thảm đồ chơi với nhiều chức năng trên sàn có thể tạo cho trẻ một vị trí sạch sẽ, an toàn với các hình ảnh quen thuộc để trẻ có thể chơi trong lúc bố mẹ đang bận làm vài việc nhà. Những cái móc dọc 2 bên thảm là chỗ bố mẹ có thể treo lên đó các đồ chơi yêu thích của trẻ.